Vụ ban quản trị chung cư bị phạt gần 120 tỉ: Nhiều vấn đề cần làm rõ
Sau khi ban quản trị (BQT) chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt 119,8 tỉ đồng vì không lập hóa đơn khi cung cấp dịch vụ cho cư dân, BQT nhiều chung cư tại TP.HCM hoang mang cho biết lâu nay họ cũng không xuất hóa đơn khi thu tiền.
Cư dân phải đóng phí quản lý vận hành, phí gửi xe... khi sinh sống trong các chung cư - Ảnh: T.T.D.
Từ việc này, có nhiều vấn đề cần làm rõ để chấn chỉnh hoạt động của BQT chung cư hoặc chỉnh sửa các quy định về thuế và các vấn đề khác để hoạt động này đi vào nề nếp.
Chỉ có phiếu thu, không có hóa đơn
Theo tìm hiểu, BQT một số chung cư cho biết đã từng hỏi cơ quan thuế và được khẳng định rằng kinh phí quản lý, vận hành nhà chung cư về nguyên tắc do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nộp cho chủ đầu tư hoặc BQT, chứ không phải là hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, mức phạt lên tới gần 120 tỉ đồng cho hành vi "trốn thuế" 453 triệu đồng, theo các chuyên gia, là quá nặng.
Ông Nguyễn Tuấn Vỹ (ngụ TP Thủ Đức) cho biết trong nhiều năm qua, chung cư mà gia đình ông đang ở chỉ gửi thông báo thanh toán phí quản lý hằng tháng bằng phiếu giấy. Phiếu thông báo phí này bao gồm phí quản lý với đơn giá 7.000 đồng/m², phí giữ xe 70.000 đồng/xe máy và tiền nước theo định mức như quy định của công ty cấp nước.
Sau khi nhận phiếu, cư dân sẽ đóng tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản đến số tài khoản đã được cung cấp trước ngày 30 hằng tháng, nếu không sẽ bị chế tài là cắt nước.
"Cứ có thông báo là chúng tôi sẽ chuyển khoản đóng tiền, nơi thu không gửi lại xác nhận thanh toán hay bất kỳ hóa đơn nào khác xác nhận đã đóng tiền", ông Vỹ nói.
Tương tự, tại một chung cư khác ở TP Thủ Đức, cư dân Trần Minh Tùng cho biết việc thông báo phí quản lý, giao dịch trả phí đều được thực hiện online khi ban quản lý (do nơi này chưa có BQT) gửi phiếu thông báo phí qua mạng và người dân chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân của trưởng ban quản lý.
"Ban quản lý không gởi xác nhận, hóa đơn hay phiếu thu gì nhưng nếu không đóng phí quản lý đúng trong tháng, căn hộ sẽ bị cắt nước", ông Tùng nói.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại nhiều chung cư ở các quận 1, 4, 7, 10... cho thấy thời gian qua cư dân chỉ nhận được email, phiếu giấy hoặc thông báo qua Zalo về khoản phí quản lý phải đóng. Một số chung cư được quản lý bởi các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có email xác nhận về số phí đã đóng mỗi tháng mà không có hóa đơn.
Đại diện chủ đầu tư nhiều dự án chung cư ở TP.HCM cho biết thông thường khi chưa thành lập BQT, chủ đầu tư sẽ quản lý, vận hành chung cư trong một khoảng thời gian ngắn và trực tiếp thu phí quản lý. Khi đó, phí quản lý sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, sau khi chuyển giao cho BQT, việc quản lý, điều hành sẽ giao lại cho BQT tự quyết về việc quản lý, thu phí và việc xuất hóa đơn do BQT, ban quản lý tự thống nhất.
Trưởng ban quản lý một chung cư ở TP.HCM cho biết đã từng có thời gian xuất hóa đơn với khoản thuế VAT 10%, song cư dân có ý kiến nên đơn vị này tạm ngưng.
Đến nay, đơn vị này đang chờ ý kiến từ BQT về việc lấy ý kiến cư dân bởi nếu xuất hóa đơn, cư dân sẽ trả thêm 10% thuế VAT trong khi ban quản lý chỉ là đơn vị thu hộ cho BQT.
"Chúng tôi đang chờ quyết định của BQT, nếu BQT và cư dân đồng thuận thì chúng tôi sẽ xuất hóa đơn kèm thêm khoản VAT 10% mỗi tháng", vị này nói.
Người dân tìm hiểu các thông tin của ban quản lý tại một chung cư ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Lấy tiền đâu ra nộp?
Việc BQT chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt gần 120 tỉ đồng do không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho cư dân, trốn thuế với số tiền 453 triệu đồng khiến không ít doanh nghiệp, BQT của nhiều chung cư trên địa bàn hoang mang, lo lắng.
Bởi trong thực tế, hầu hết BQT tại các chung cư đều không kê khai, xuất hóa đơn khi thu tiền cung cấp dịch vụ cho cư dân.
Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng các cơ quan thuế địa phương và Cục Thuế có văn bản trả lời là "Căn cứ quy định của nghị định 125 ban hành năm 2020 của Chính phủ đối với hành vi vi phạm hành chính được lặp đi lặp lại tại nhiều thời điểm khác nhau thì bị xử lý "từng hành vi"" gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Cựu trưởng ban quản trị chung cư Miếu Nổi gây thiệt hại 637 triệu đồng, tham ô 2,5 tỉ đồng
Ban quản trị chung cư có quyền phạt tiền cư dân?
Theo đó, nếu người nộp thuế vi phạm nhiều lần, từ hành vi sau sẽ bị tính là tình tiết tăng nặng, mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt.
Mức xử phạt hành chính như trên quá lớn dẫn đến doanh nghiệp không thể thực hiện được nghĩa vụ thuế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền phạt mà còn làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực của công tác xử lý vi phạm.
Theo ông Được, chế tài xử lý vi phạm về thuế theo Bộ luật Hình sự 2015 về tội trốn thuế với mức phạt tiền tối đa 4,5 tỉ đồng đối với cá nhân và 10 tỉ đồng đối với tổ chức (điều 200). Hoặc là phạt cá nhân tối đa 500 triệu đồng và tổ chức 1 tỉ đồng đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn (điều 203).
"Nói cách khác, chế tài xử lý hành chính cao hơn rất nhiều chế tài xử lý hình sự là chưa phù hợp với tinh thần xử lý hành chính và hình sự", ông Được nói.
Giám đốc một công ty tư vấn thuế tại TP.HCM cũng cho rằng việc xử phạt hành chính như nêu trên là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
"Cơ quan thuế đã vận dụng tại khoản 3 điều 5 nghị định 125/2020 để xử phạt từng hành vi đối với trường hợp vi phạm nhiều lần được xác định là tình tiết tăng nặng phù hợp với nghị định 125 nhưng không phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính", vị này nhận định.
Theo Tuổi trẻ